Team building là một hoạt động rất có ích cho doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức nói chung. Các hoạt động này giúp cho doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khủng hoảng, cả về nhân sự cũng như về văn hóa doanh nghiệp. Team building giúp doanh nghiệp trở nên khỏe mạnh, nhưng cũng như uống thuốc, các hoạt động team building cũng cần phải nghiên cứu kỹ để không bị phản tác dụng.
Điều đầu tiên là lãnh đạo của tổ chức phải xác định được hiện trạng và mục tiêu, sau đó làm việc với nhà cung ứng dịch vụ để xác định được thông điệp cần truyền tải và thảo luận phương pháp thực hiện, địa điểm, chi phí và thời gian.
Có nhiều thông điệp cần truyền tải và một trong những sai lầm thường gặp là ban tổ chức cố gắng đưa quá nhiều thông điệp trong một hoạt động team building. Sai lầm này sẽ dẫn đến việc không thể tổ chức được một chương trình ấn tượng và kết quả là người chơi sẽ không thể nhớ được thông điệp nào đủ để thay đổi hành vi theo mục tiêu cần đạt.
Dưới đây là một số quy luật mà theo đó các thông điệp có thể được truyền tải thông qua các hoạt động team building:
- Quy luật thích hợp: Tất cả mọi người đều có điểm mạnh riêng của mình.
- Quy luật thách thức lớn: Thử thách càng lớn thì yêu cầu làm việc theo nhóm càng cao.
- Quy luật chuỗi: Sức mạnh của cả đội sẽ bị ảnh hưởng nếu như có một liên kết yếu nào đó.
- Quy luật xúc tác: Những nhóm làm việc thành công có những cá nhân có thể thay đổi mọi thứ.
- Quy luật tầm nhìn: Tầm nhìn giúp cho mọi thành viên có phương hướng hoạt động và sự tự tin.
- Quy luật về lòng tin: Những người cùng làm việc trong nhóm phải tin tưởng lẫn nhau khi làm việc.
- Quy luật chi phí: Nhóm làm việc sẽ thất bại trong việc vươn tới tiềm lực của mình khi thất bại trong việc trả giá.
- Quy luật vị trí: Những nhóm giỏi có tầm hiểu biết rộng.
- Quy luật giao tiếp: Sự tác động lẫn nhau kích thích hoạt động tốt hơn.
- Quy luật về sự lợi thế: Sự khác nhau giữa hai nhóm làm việc hiệu quả tương tự nhau là khả năng lãnh đạo.
Lưu ý tiếp theo trong việc tổ chức hoạt động team building là “bụt chùa nhà không thiêng”, theo đó khi tự tổ chức các hoạt động team building thường không đạt hiệu quả cao. Nói như vậy không có ý quảng bá cho các công ty chuyên nghiệp; lý do chính là để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động team building thì thường phải giả lập (simulation) những điều kiện tương tự thực tế và khi đó, những người quen sẽ có xu hướng nhượng bộ và khó có thể tuân thủ được nghiêm ngặt những yêu cầu của hoạt động. Đó là chưa kể một số người vẫn nghĩ đây là một trò chơi chứ không phải là một hoạt động nghiêm túc có tính khoa học, do đó thường sẽ bỏ qua một số rào cản mà đôi khi chính việc lập ra rào cản đó chính là cốt lõi của hoạt động team building.
Thêm một lưu ý nữa là không nên nhầm lẫn giữa hoạt động team building và chuỗi các trò chơi tập thể. Hình thức bên ngoài dễ làm cho người tổ chức lẫn người chơi có cảm tưởng rằng họ đang tham gia vào một trò chơi và ban tổ chức là một quản trò theo kiểu của một anh chị phụ trách đội hoặc một hoạt náo viên của các trò chơi vòng tròn tập thể của các em thiếu nhi. Trên thực tế, mặc dù hình thức có vẻ như giống nhau nhưng bản chất của sự khác biệt là ở tính mục đích cụ thể cần phải đạt đến sau một khoảng thời gian cố định. Đơn cử một hoạt động điển hình là “vượt mạng nhện” – nếu chỉ là một trò chơi thì trong trò chơi này, các thành viên cùng nhau vui vẻ bồng bế nhau chui qua một mạng nhện to làm bằng dây các loại. Thời gian chơi tối đa là 10 phút. Trên thực tế, đây là một trong những thử thách rất cân não dành cho cấp lãnh đạo và thông thường, khi được tổ chức chu đáo thì cũng với hình thức tương tự, những người tham gia chưa bao giờ có thể hoàn thành ít hơn 3 giờ!!!
Điểm cuối cùng cần lưu ý, đó là cấu tạo của một chương trình phải có được các “nút thắt”, “nút mở”; chỉ khi đó thì người tham gia mới được dẫn dắt một cách có định hướng và qua đó không chỉ mục tiêu tập thể đạt được mà ngay cả từng người tham gia đều có dịp để nhìn lại chính mình. Ở đây có một bí quyết, đó là chỉ những ai thực sự dấn thân tham gia thì mới có thể thấu hiểu và thu được lợi ích từ hoạt động team building, còn những người chỉ đứng xem thì dù cho có hiểu và quan sát hết từ đầu đến cuối cũng không thể có được cảm xúc và trải nghiệm cần thiết cho chính mình như những người khác được.
Nguyễn Duy Thuận – Chuyên viên tư vấn Công ty Exotic Việt Nam