Câu hỏi tiếp theo thường gặp là ai cần tham gia các hoạt động team building và khi nào thì nên áp dụng hoạt động này đối với từng cá nhân cũng như ở tầm công ty hoặc phòng ban? Đây là một câu hỏi rất nghiêm túc vì teambuilding, tùy vào từng cách đặt vấn đề và tình trạng cụ thể của từng doanh nghiệp mà chương trình team building có từng ý nghĩa riêng biệt. Team building thường được sử dụng cho các mục tiêu sau:
- Xây dựng một môi trường vui vẻ trong một khoảng thời gian ngắn để có thể kéo mọi người gần nhau hơn, tạo ra được những khoảnh khắc mà mọi người đều nhớ đến và qua đó trở nên gần gũi nhau hơn.
- Truyền một thông điệp quan trọng của công ty đến cho từng nhóm nhân viên và từng cá nhân.
- Đánh giá tính cách của một nhóm người.
- Xây dựng hình ảnh chung về tính cách của một nhóm hoặc một phòng ban, thậm chí là của một công ty.
- Thay đổi trạng thái tâm lý của tập thể.
- Xây dựng tính cách, thường là tốt hơn, cho tổng thể.
- Góp phần hoàn thiện tâm lý và tính cách của từng nhân viên.
Khi có nhiều tính năng như vậy, “liều thuốc” team building nên được sử dụng một cách thận trọng và đúng cách, “thuốc” này cần được kê đúng liều lượng và sử dụng đúng phương pháp mới bảo đảm được hiệu quả của “liều thuốc”.
Vậy thì khi nào thì nên sử dụng các hoạt động dạng team building để đạt hiệu quả cao nhất trong các lựa chọn có thể sử dụng?
Team building, như trong bài “Team building là gì?” đã phân tích, là một hoạt động mô phỏng thực tế và thông qua đó, giúp mô phỏng (một cách khá chính xác) cách thức thực tế mà mỗi cá nhân và (hoặc) mỗi nhóm người sẽ phản ứng lại với các tác động của môi trường làm việc, qua đó có thể hình dung được trên thực tế điều gì sẽ diễn ra với các giả định được ứng dụng trong quá trình xây dựng hoạt động team building.
Điều này giúp chúng ta hình dung một cách rõ ràng hơn về những trường hợp nên sử dụng các hoạt động team building nhằm đạt mục tiêu chính, đó là:
- Xây dựng sự hiểu biết về công việc một cách tổng thể và qua đó thông cảm được với những đồng nghiệp khác ở các phòng ban chức năng khác nhau, những người mà từ trước đến nay thường có ấn tượng không hoàn toàn đúng về chức năng và nhiệm vụ của nhau, dẫn đến hiệu quả cộng tác chung kém hoặc rất kém.
- Xây dựng một tập thể gắn bó hơn với nhau, hiểu nhau hơn qua nhiều khía cạnh mới và nhìn thấy những ưu điểm của nhau từ những góc nhìn mà nếu chỉ gói gọn trong 4 bức tường của công việc thì không bao giờ nhận ra, điều này thường dùng để hạn chế khả năng mất nhân sự trong tương lai, đây là một mục đích có tính lâu dài và là một trong những tiêu chí quan trọng của bộ phận nhân sự để đạt mục tiêu xây dựng môi trường làm việc thân thiện và phòng chống khả năng bị chảy máu nguồn nhân lực (retaining index).
- Chuẩn bị kỹ hơn cho những thay đổi lớn trong cơ cấu tổ chức, đặc biệt là khi có những quyết định quan trọng liên quan đến nhận thức hoặc ảnh hưởng đến hành vi của từng cá nhân, dẫn đến việc có khả năng rõ ràng làm giảm năng suất lao động của đơn vị.
- Truyền một thông điệp không nói bằng lời đến từng thành viên của đơn vị, qua đó mỗi người có thể tự hiểu được vai trò và nhiệm vụ của mình trong thời gian trước mắt, qua đó chủ động điều chỉnh hành vi của cá nhân một cách tích cực.
- Xây dựng một lối sống vì tập thể và xây dựng một cách sống biết chấp nhận hy sinh hoặc thỏa hiệp vì mục tiêu chung, cho dù là ngắn hạn hay dài hạn.
- Kiểm nghiệm lại những triết lý lãnh đạo, cho dù là triết lý quản lý mới áp dụng hay là triết lý cũ đã tồn tại nhiều năm ở đơn vị, khi ứng dụng các hoạt động teambuilding đều có khả năng nhìn thấy được mức độ phù hợp của triết lý lãnh đạo có còn phát huy được trên thực tế hay là đã bắt đầu có những dấu hiệu của sự chuyển biến trong tính cách của tập thể đơn vị.
Như vậy, hoạt động team building có lợi cho tất cả mọi thành viên tham gia, điều quan trọng nhất của hoạt động teambuilding chính là sự tham gia và cảm nhận được những ảnh hưởng của nó đến sự thay đổi của chính mình.
Lợi ích của hoạt động này, điều hay nhất của nó, chính là sự cảm nhận sau khi ngồi suy nghĩ và chia sẻ với nhau, sẽ luôn khác biệt tùy theo cách mà mỗi người nhìn nhận.
Mỗi cá nhân đều sẽ nhìn thấy nhiều bài học, nhiều bức tranh khác biệt khi tự mình thay đổi vị trí suy nghĩ của mình hoặc rất lâu về sau, khi mỗi người thay đổi tầm nhìn, thường là thông qua việc thay đổi vị trí, chức năng công tác, lại nhìn thấy một bài học khác, một bức tranh khác về con người, về công việc khi nhìn lại về cùng một hoạt động mà chính mình đã từng tham gia team building.
Nguyễn Duy Thuận – Chuyên viên tư vấn Công ty Exotic Việt Nam