TEAM BUILDING TẠI NAM ĐỊNH
Cách Hà Nội 85km về phía Nam, Nam Định là một tỉnh ven biển có lịch sử lâu đời ở đồng bằng sông Hồng. Từ thế kỷ 13, nhà Trần đã cho xây dựng phủ Thiên Trường với nhiều cung điện nhằm phục vụ hoàng tộc tại làng Tức Mặc, nơi khởi nguồn của họ Trần. Kiến trúc cung điện cũng như tổ chức hành chính ở Thiên Trường tương tự như ở Hoàng thành Thăng Long nên nơi đây được ví như kinh đô thứ hai của đất nước trong thời kỳ này. Năm 1533, vùng ven biển Nam Định là nơi đầu tiên các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đặt chân đến Việt Nam. Điều này dẫn đến sự thành lập hàng trăm giáo xứ với nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo trong những năm sau đó, một số vẫn còn đứng vững cho đến ngày nay như những chứng nhân lịch sử. Năm 1921, Nam Định được công nhận là thành phố dưới thời Pháp thuộc, nơi có chuỗi nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương.
Ngày nay, vùng phụ cận của TP. Nam Định thu hút khách du lịch với những làng truyền thống thuần nông được bao quanh bởi những con sông lớn và những cánh đồng lúa bạt ngàn. Nhiều công trình kiến trúc cổ như nhà truyền thống, đình làng, nhà thờ họ, chùa chiền, … và nhà thờ Thiên chúa giáo được tìm thấy khắp nơi. Tiếng chuông nhà thờ ngân nga thong thả, lan tỏa xuống từng góc phố, làng quê mộc mạc, đồng lúa thanh bình tạo nên một giai điệu độc đáo chỉ có ở Nam Định. Ngoài ra, nhiều ngành nghề được kế thừa qua nhiều đời như dệt vải, trồng cây cảnh, làm mộc, múa rối nước … và những phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật biểu diễn, lễ hội dân gian độc đáo vẫn được bảo tồn và phát triển trong cuộc sống hiện đại.
Eco team building tại Nam Định là hành trình đưa du khách vào thế giới chân thực của làng quê đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà họ có thể cảm nhận đầy đủ, sinh động nhất về những giá trị văn hóa phi vật thể hiện diện trong nếp sinh hoạt của người dân. Các thử thách được mô phỏng từ các hoạt động trên đồng lúa, làm muối, đánh bắt cá, cào nghêu… giúp mọi người gắn kết nhau, cùng chia sẻ công việc cho một mục đích chung trong tiếng cười và niềm vui.
Team Building tại Thành phố Nam Định
Cách Hà Nội không xa, án ngự tại vị trí ngã ba sông Hồng và sông Nam Định, TP. Nam Định có một vị trí chiến lược quan trọng tại Đồng bằng Sông Hồng. Năm 1804, thành Nam Định được Vua Gia Long xây dựng theo kiến trúc Vauban, nơi đây vừa là một trung tâm hành chính của vùng, vừa là công sự kiên cố. Hiện nay dấu tích còn lại chỉ là một đoạn tường thành Cửa Bắc dài khoảng 220m và Kỳ đài. Kỳ đài bị máy bay Mỹ không kích năm 1972, và đã được phục dựng lại nguyên dạng vào năm 1997.
Vào thời Pháp thuộc, Nam Định là một trong những thành phố được thiết lập đầu tiên ở Liên bang Đông Dương vào năm 1921. Nhờ sự thuận tiện của giao thông đường sông cũng như đường sắt đã giúp Nam Định nhanh chóng trở thành trung tâm dệt lớn nhất Đông Dương thuộc Pháp và một đầu mối giao thương hàng hoá ở Bắc bộ. Bến Đò Quan và hàng loạt những con phố nhỏ là các phố nghề như: Hàng Vàng, Hàng Bát, Hàng Kẹo…, cùng chợ Rồng, nhà thờ Lớn, chùa Vọng Cung,… nằm ven bờ sông Nam Định gợi lên hình ảnh một thương cảng sầm uất có tuổi hàng trăm năm của Nam Định.
Một lần đến Nam Định, bạn không chỉ viếng thăm địa điểm nổi bật như hồ Vị Xuyên, ngã tư Cửa Đông, Văn Miếu, đền Trần, phố hoa Nguyễn Du,… mà còn để cảm nhận những nét duyên riêng gắn với những con phố nhỏ (đẹp nhất vào mùa hoa gạo nở đỏ rực vào tháng 3), các món ăn đặc sản địa phương, tiếng còi tầm của nhà máy dệt và sự hiếu khách của người dân Thành Nam.
Team Building tại Vườn quốc gia Xuân Thủy
Phù sa màu mỡ của Sông Hồng và dòng biển ven bờ đã tạo dựng nên một vùng ngập nước độc đáo tại cửa Sông Hồng (cửa Ba Lạt). Năm 1988, khu vực này được UNESCO công nhận là khu Ramsar. Năm 2003, nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước nơi sinh sống các loài động vật, thực vật tại đây, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước, chim di trú, Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy đã được thành lập trên diện tích 14.500 ha, trong đó vùng lõi rộng 7,100ha. Năm 2004, UNESCO tiếp tục công nhận VQG Xuân Thủy trở thành như vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển các tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
Cồn Ngạn và xa hơn là Cồn Lu có lịch sử hình thành khoảng trên 100 năm, và Cồn Mờ (còn gọi là Cồn Xanh) được bồi đắp cách nay khoảng trên 20 năm. Hầu hết nơi đây là vùng lõi của VQG, nơi môi trường thiên nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt. Tại VQG Xuân Thủy có 192 loài thực vật bậc cao, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện ngập nước để hình thành lên hệ thống rừng ngập mặn rộng hơn 3000ha, chủ yếu là sú, vẹt. Về động vật, ngoài 17 loài thú, 37 loài bò sát & lưỡng cư được ghi nhận và nguồn lợi thủy sản phong phú với hơn 500 loài sinh vật đáy và động vật phù du (tôm, cá, cua, sò, nghêu,…) cũng đã được xác định. VQG Xuân Thuỷ là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của 136 loài chim nước di cư với hàng chục ngàn cá thể từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm. Nơi này thường xuyên ghi nhận sự hiện diện của các loài chim nước có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ như Cò thìa, Bồ nông chân xám, Choắt mỏ cong lớn, Mòng bể mỏ ngắn,… Vùng đệm rộng 8.000ha, bao gồm diện tích của 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản các xã vùng đệm phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang mở ra cho cộng đồng dân cư sinh kế bền vững, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế.
Đây cũng là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng những con lạch thủy triều tĩnh lặng, ngắm nhìn rất nhiều loài chim lạ bay lượn xung quanh và tìm hiểu cuộc sống của người dân bằng cách đi thuyền qua rừng ngập mặn. Từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm, dưới tán rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy, cây sú vẹt nở hoa thơm ngát khắp vùng giúp nghề nuôi ong phát triển.
Team Building tại Chùa Phổ Minh
Cách trung tâm TP. Nam Định khoảng 5km, chùa Phổ Minh ban đầu được xây dựng từ triều Lý, sau đó được mở rộng vào năm 1262 vào triều Trần và trùng tu nhiều lần nhất vào triều Mạc vào TKXVI. Đây là nơi để nhiều vị vua triều Trần và các quan lại cao cấp đến tụng kinh niệm Phật. Theo sử sách, năm 1308, sau khi Trần Nhân Tông qua đời tại núi Yên Tử, con là vua Trần Anh Tông đã đặt 7 trong số 21 xá lợi của vua cha lên kiệu đá và dựng tháp Phổ Minh ở trên.
Tháp Phổ Minh được xây dựng theo hình khối vuông trông như đóa sen, gồm 14 tầng, cao 19,5m. Hai tầng dưới làm bằng đá, các tầng còn lại xây bằng gạch trần. Ở các tầng đều trổ 4 cửa vòm cuốn. Đế tháp hình vuông, mỗi cạnh 5,2m. Dưới chân tháp còn có nhiều dấu tích bằng đá, nơi từng đặt một chiếc vạc đồng rất lớn, được xếp vào An Nam Tứ Đại khí. Chiếc vạc này đã bị quân Minh nấu chảy để làm vũ khí vào năm 1426.
Ngoài tháp Phổ Minh, trong chùa Phổ Minh còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị. Trước đây, chùa có 120 pho tượng, nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá nên hiện chỉ còn hơn 50 pho tượng sơn son thếp vàng, nhiều pho tượng có hình dáng đẹp, cân đối về tỷ lệ, mang tính nghệ thuật cao. Bạn có thể tìm thấy bộ tượng Trúc Lâm tam tổ, một bảo vật quốc gia được công nhận năm 2022. Bộ tượng được điêu khắc từ TKXVII, bằng gỗ, sơn son, thếp vàng, đến nay còn nguyên vẹn, bao gồm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và Pháp Loa và Huyền Quang ngồi thiền bên phải & bên trái.
Team Building tại Đền Trần
Nổi bật của đền Trần là được cấu trúc bởi ba công trình kiến trúc: đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cổ Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm 3 tòa nhà chính: tiền đường 5 gian, trung đường 5 gian và chính tẩm 3 gian.
Tọa lạc ở vị trí trung tâm, Đền Thiên Trương được xây dựng vào năm 1695 trên nền Thái miếu trước đây – là nhà thờ tổ của họ Trần và nền cung Trùng Quang – là nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Tiền đường là nơi đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần. Trung đường đặt bài vị của 14 hoàng đế nhà Trần. Chính tẩm thờ tự 4 vị thủy tổ họ Trần, và các phu nhân, hoàng phi.
Nằm phía đông của đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894 trên nền nhà cũ của Hưng Đạo Vương, một vị anh hùng thời Trần đã chỉ huy quân đội Đại Việt đẩy lùi hai cuộc xâm lược lớn của quân Mông Cổ vào TK13. Tiền đường đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa. Trung đường thờ bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, 4 người con trai, Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân. Chính tẩm đặt bài vị cha mẹ, vợ (công chúa Thiên Thành), 4 con trai và 4 con dâu, con gái và con rể của Trần Hưng Đạo.
Nằm phía tây của đền Thiên Trường, Đền Trùng Hoa được xây năm 2000 trên nền cung Trùng Hoa xưa – nơi hoàng đế đương triều nhận sự tham vấn từ Thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng được đúc bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm.
Thu hút đông đảo du khách thập phương muốn thăng quan tiến chức, công danh sự nghiệp, hàng năm Đền Trần tổ chức Lễ Khai ấn vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch). Lễ hội này có từ xa xưa khi vua cúng Trời đất và triều đình mở quốc ấn để sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trở lại làm việc bình thường.
Team Building tại Nhà thờ
Năm 1533 ghi dấu ấn lịch sử truyền giáo tại Việt Nam với sự có mặt của nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đầu tiên đến các làng ven biển thuộc huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Xuân Trường của tỉnh Nam Ðịnh ngày nay. Đến năm 1659, chưa được 50 năm truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên, mặc dù chưa có giáo phận biệt lập, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa nhưng Thiên chúa giáo đã lan rộng tại trấn Sơn Nam (Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam hiện nay) với 183 nhà thờ được xây dựng trong tổng số 340 nhà thờ cả nước. Từ TK17, các thừa sai Dòng Tên, Hội Thừa sai Paris, Dòng Âu Tinh Chân đất, và nhất là Dòng Đa Minh truyền giáo tại đây.
Được thành lập từ năm 1659, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm như 1848 – 1936 và 1954 – 1989, giáo phận Bùi Chu hiện nay thuộc tỉnh Nam Định, chia thành 13 giáo hạt với 181 giáo xứ và số tín đồ có thể đạt 90% dân số ở một số nơi. Sự phát triển của đạo Thiên chúa cũng khiến Nam Định có hơn 600 nhà thờ lớn nhỏ. Ở một số nơi, chỉ cần đứng tại chỗ và nhìn xung quanh bạn cũng có thể nhìn thấy xa xa từ 9 đến 10 tháp chuông nhà thờ, thấp thoáng trong làng quê, cánh đồng. Trải qua một bề dày lịch sử, các nhà thờ chủ yếu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic và Baroque, nhưng một số lại thể hiện rõ nét kiến trúc truyền thống Việt Nam với mặt tiền được xây theo kiểu cổng tam quan hay nội thất bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Nhà thờ được xem như là ngôi nhà chung của cộng đồng ở xóm làng thể hiện sự gắn bó không chỉ những nghi thức tôn giáo mà là kỷ niệm của cả đời người từ khi rửa tội đầu tiên, làm phép xác nhận, cưới xin cho đến tang lễ. Vì thế mỗi nhà thờ vừa là một tuyệt tác kiến trúc lộng lẫy và độc đáo gắn bó chan hòa với cảnh quan thiên nhiên, và vừa là niềm tự hào của mỗi tín đồ trong giáo xứ.
Tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, chỉ cần đi vài km là bạn có thể nhìn thấy những nhà thờ lớn nổi bật với nhiều hoa văn tỉ mỉ và màu sắc hài hòa, cửa vòm rộng lớn và tháp chuông cao vút. Một số nhà thờ đẹp có thể viếng thăm như Phú Nhai (Vương cung Thánh đường từ năm 2008), Bùi Chu, Kiên Lao, Trung Lao, Phương Chính, Báo Đáp, Ninh Cường, Trung Linh, Thủy Nhai,… đặc biệt di tích đổ nát và rêu phong của nhà thờ Hải Lý tại làng chài Xương Điền do sự xói lở đường bờ biển.
Team Building tại vùng quê Hải Hậu
Năm 1461, vua Lê Thánh Tôn ban hành các chính sách khuyến khích người dân khẩn hoang tại các bãi bồi ven biển. Sử sách ghi công bốn người tiên phong gồm các ông Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập cùng con cháu đến vùng biển Hải Hậu ngày nay, lập nên xóm Phú Cường, sau đổi thành ấp Quần Cường, đến năm 1511 đổi thành xã Quần Anh. Con đê ngăn nước mặn đầu tiên có quy mô lớn, đê Hồng Đức, chạy dọc bờ biển đồng bằng Sông Hồng đã hoàn thành từ nữa sau TK15. Cùng việc khơi thông các sông rạch, cho đào sông Xẻ dẫn nước ngọt rửa mặn đồng ruộng, trong thời gian không lâu, từ những bãi bồi hoang vu đầy sình lầy, lau lách đã trở thành vùng đất phì nhiêu với nhiều ruộng lúa tươi tốt. Đến năm 1888, huyện Hải Hậu được thành lập gồm nhiều làng mạc trù phú, cuộc sống chủ yếu dựa trên canh tác lúa nước, và nguồn thu phụ là đánh bắt cá và làm muối.
Hải Hậu còn nổi tiếng với vô số nhà thờ Thiên chúa giáo, mỗi nhà thờ là một dấu ấn khác nhau về kiến trúc. Nhiều nhà thờ có tuổi hàng trăm năm, cổ kính rêu phong, nhiều nhà thờ đã được trùng tu hay xây mới, nhưng vẫn giữ được dang dấp ban đầu. Điểm thăm tiếp theo là cầu ngói Chợ Lương, được xây dựng từ 1509 – 1515 (trùng tu năm 1922 và 2010) bắc qua sông Hoành, điểm dừng không thể bỏ qua của mọi du khách để có một bức ảnh về di sản kiến trúc cổ xưa. Đến Hải Hậu, du khách có cơ hội khám phá của cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương, tìm hiểu về phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên, thăm các làng nghề truyền thống như ươm tơ, làm kèn đồng, rối nước, làm mộc,… thưởng thức các loại đặc sản đồng quê: nem nắm, bánh nhãn, gạo tám, bánh bao xá xíu,… và hơn hết là cảm nhận được sự chân thành và mộc mạc của người dân.
Exotic Vietnam giới thiệu chương trình team building dưới hình thức Cuộc đua kỳ thú hoặc Truy tìm kho báu. Đó là một cuộc phiêu lưu thú vị và độc đáo ở vùng nông thôn và đưa người tham gia di chuyển bằng xe đạp, đi bộ, đi bè bơm hơi hoặc các phương tiện địa phương. Người chơi tiếp cận gần gũi với cộng đồng và tham gia công việc hàng ngày của họ để tìm ra manh mối ẩn dấu. Làng Rạch – rối nước, Hải Lý – phế tích nhà thờ, Bạch Long – đồng muối, Xuân Thủy – vườn quốc gia,… là một trong những địa điểm được tìm đến bằng thiết bị GPS hay bản đồ. Tại đây các thử thách team building được thiết kế mô phỏng trên các giá trị bản địa, giúp người chơi vừa mở mang kiến thức tại địa phương và vừa nâng cao tinh thần đồng đội. Ấn tượng về một vùng quê Hải Hậu mộc mạc, từ đồng ruộng, kiến trúc cổ, đến cư dân hiếu khách sẽ được lưu giữ mãi trong tâm trí của mọi người.