TEAM BUILDING TẠI ĐẮK NÔNG

Hầu hết tỉnh Đắk Nông, được biết đến với những di sản địa chất bao gồm vô số miệng núi lửa, hang động dung nham và mạng lưới thác nước đẹp, … đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2020 với sự vượt trội về cảnh quan và con người. Đến với cao nguyên này, thật dễ dàng để cảm nhận được thiên nhiên luôn ở bên bạn. Xứng đáng để hít thở bầu không khí trong lành đầy ôxy, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên chập chùng hồ nước và rừng núi bao la, khám phá những địa điểm núi lửa ngoạn mục vẫn còn sống động qua hàng nghìn năm,…Ảnh: Exotic Vietnam

Tỉnh Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên Đắk Nông hay còn gọi là cao nguyên M’Nông vì đây là nơi sinh sống của người M’Nông. Người Pháp gọi là cao nguyên Trung tâm Nam Đông Dương, sở dĩ gọi là “trung tâm”, vì vị trí đặc biệt trải dài trên phần đất của cả ba xứ Trung Kỳ, Nam Kỳ và Campuchia, một thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ. Vì vậy, nó còn được gọi là cao nguyên “Ba biên giới”. Người M’Nông là dân tộc bản địa có dân số đông nhất ở đây, họ gọi vùng đất này là Yôk Luaich, có nghĩa là “Cao nguyên đồi cỏ”, bởi bạt ngàn cỏ trên nền đất feralit nâu đỏ có lớp đá ong.

Với mục tiêu bảo tồn di sản thiên nhiên, nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế qua hoạt động du lịch bền vững, Công viên địa chất Đắk Nông (CVĐC), mệnh danh là “Xứ sở của những âm điệu”, được công nhận vào 4/2020. Công viên trải rộng trên diện tích hơn 4.700km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Nông, trải dài 6/8 huyện, thị của tỉnh là Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long, và TP. Gia Nghĩa.

Từ Tp. Hồ Chí Minh dễ dàng đến TP. Gia Nghĩa với 230km qua QL14, chất lượng đường giao thông rất tốt. Thời gian di chuyển 4 – 5 giờ. Các cơ sở lưu trú tại Gia Nghĩa đáp ứng các yêu cầu cơ bản cho lưu trú với hệ thống khách sạn 3 sao. Cùng các các cở sở hạ tầng khác như nhà hàng, các điểm tham quan hấp dẫn,… giúp Đắk Nông đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho tham quan du lịch và tổ chức team building cho các doanh nghiệp, đặc biệt là eco teambuilding giúp nâng cao nâng thức về môi trường và cộng đồng cho các thành viên tham gia.

Tại Đăk Nông, Exotic Viet Nam là đối tác tinh cậy để thực hiện chương trình teambuilding theo format The Amazing Race để cảm nhận sự đầm ấm của tinh thần đồng đội giữa sự mênh mông của thiên nhiên, hay những chuyến trekking khám phá thế giới nguyên sinh của các khu bảo tồn thiên nhiên với một trải nghiệm không thể quên!

Các điểm tham quan nổi bật tại Đắk Nông là:

Lấy cảm hứng từ âm thanh của ngũ hành trong vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), Bảo tàng Âm thanh mời bạn vào thế giới âm thanh tồn tại trong môi trường tự nhiên hoặc cộng đồng xung quanh mà chúng ta đang sống hòa hợp hàng ngày. Bạn cũng có thể nhìn, cảm nhận và thậm chí tự mình tạo ra âm thanh và tiếng ồn. Ảnh: Exotic Vietnam

Bảo tàng Âm thanh

Được sáng tạo bởi nhóm nghệ sĩ Pháp, Scenocosme, Bảo tàng Âm thanh hay EXPLORASOUND tọa lạc ngay trung tâm Gia Nghĩa. Bảo tàng trải rộng trên diện tích 200m2 chia làm 8 không gian riêng biệt với 7 chủ đề mang đặc trưng âm thanh đến từ những chất liệu khác khác nhau cũng như cách thức diễn tấu riêng biệt: âm thanh của đá, gió, nước, gỗ, lửa, ánh sáng và âm thanh của chính con người tạo ra. Các âm thanh này được tạo ra dựa trên 5 yếu tố cơ bản của thế giới tự nhiên (ngũ hành), đó là Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Với không gian thiết kế hết sức mới lạ, kết hợp với hệ thống âm thanh và đèn LED, triển lãm thể hiện sự kết nối và tương tác rất cao giữa hiện vật với người xem. Đây là bảo tàng âm thanh duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Nhận được lượng mưa lớn hàng năm, chịu tác động của các đứt gãy kiến ​​tạo phức tạp, sở hữu địa hình vòm như phần đỉnh của mái nhà và vẫn giữ được các thảm thực vật nhiều tầng là những lý do khiến Đắk Nông trở thành vùng đất của những thác nước kỳ thú. Nếu bạn chịu khó đi bộ tìm kiếm, bạn có thể tìm thấy một ốc đảo nước ngay dưới chân thác tại những nơi thực sự bất ngờ. Đó là một thiên đường để bơi lội và dựng lều. Ảnh: Exotic Vietnam

Hệ thống thác nước

Đăk Nông sở hữu vô số những thác nước đẹp. Nguyên nhân là từ bề mặt cao nguyên Đăk Nông ở độ cao 1000m, cả bốn phía là những sườn dốc với những mạng lưới suối, sông dày đặc, ở phía bắc và phía tây chảy xuống các sông Xrê Pok, Prêk Tê và Prêk Chlong để đổ vào sông Mêkông, ở phía đông và phía nam chảy xuống các sông Đồng Nai, sông Bé để đổ ra Biển Đông. Tác nhân địa hình kết hợp với lượng mưa nhiều, các đứt gãy do hoạt động kiến tạo và sự đa dạng các loại đá đã tạo ra nhiều thác nước tuyệt đẹp: thác Đăk G’lun (xã Đắk R’Til, huyện Tuy Đức), thác Liêng Nung (bon N’riêng, xã Đắk Nia, TX Gia Nghĩa), thác Lưu Ly (xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song), thác Năm Tầng (xã Đắk Sin, huyện Đăk R’lấp), và rất nhiều thác khác nữa.

Đó là thế giới dưới lòng đất, nơi sinh sống của loài người sơ khai mà thế giới văn minh chỉ mới biết đến gần đây. Hang động núi lửa là những khoảng tối chứa đầy những điều kỳ lạ về địa chất, những dạng sống khác thường và những con đường ngoằn ngoèo ẩn chứa nhiều điều bí ẩn phía trước. Nhưng thật thú vị khi phát hiện sự kết tinh của bazan nóng chảy qua hình dạng của các dòng chảy dung nham và các thành tạo nhỏ giọt đã không thay đổi trong hàng ngàn năm. Ảnh: Exotic Vietnam

Hệ thống hang động núi lửa

Theo cách gọi của người dân Ê đê, Chư Bluk có nghĩa là núi lửa. Đến CVĐC Đắk Nông, khu vực có núi lửa hoạt động trong quá khứ, không chỉ được khám phá các kiểu núi lửa khác nhau, bạn còn đi vào thế giới dưới lòng đất với hang núi lửa (lava tube).

CVĐC Đắk Nông có 5 núi lửa: Nâm Dơng, Băng Mo (Cư Jút), Nâm Blang, Nâm Kar (Krông Nô) và Nâm Gle (Đắk Mil). Các núi lửa trên đều hoạt động theo kiểu phun trào, phun nổ hoặc đồng thời cả phun trào và phun nổ, hoặc phun trào khe nứt cách nay 10.000 năm.

Khi núi lửa kiểu phun trào hoạt động, dòng bazan lỏng, có độ nhớt thấp sẽ chảy tràn. Các lớp bazan bên trên do tiếp xúc với không khí nên nguội và đông cứng trước. Các lớp bazan bên dưới nguội chậm hơn, vẫn còn ở dạng lỏng và tiếp tục di chuyển. Trong các giai đoạn cuối của quá trình phun trào, sự cung cấp dung nham giảm dần khiến vật liệu nóng chảy bị chảy đi nhưng không được bù đắp. Sự thiếu hụt này tạo các đường hầm hình trụ kéo dài theo dòng chảy bên dưới lớp bazan đã đông cứng. Khí thoát ra từ dung nham, tích tụ dưới mái vòm và nâng đỡ mái vòm. Khi khí này trộn với không khí từ các lỗ thông hơi trên vòm hang tạo sự gia tăng gia nhiệt mạnh mẽ từ quá trình oxy hóa, nhiệt độ này đủ để đá vòm hang tái nóng chảy, sau đó nhỏ giọt xuống cùng với dung nham còn sót lại. Dung nham như vậy có thể đông lại tại chỗ để tạo thành nhũ đá nhỏ.

Mặc dù có đến 5 núi lửa, nhưng tại CVĐC Đắk Nông chỉ mới nghiên cứu hệ thống hang núi lửa liên quan đến núi lửa Nâm Blang, với tổng chiều dài 10km gồm 50 hang. Trong đó hang C7 dài 1.067m là hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á; hang C 6.1 nơi phát hiện dấu tích của người tiền sử cách nay 10.000 – 7.000 năm; hang C3 nằm trong hệ thống hang dài 968m, chia thành nhiều đoạn ngăn cách bởi các hố sụp, hang C3 còn nổi tiếng với hóa thạch độc đáo là một khuôn hình cây gỗ với đường kính 80 cm được hình thành bởi nham thạch bao phủ.

Hãy tận hưởng chuyến đi thú vị đến hồ Tà Đùng cùng Exotic Vietnam. Tìm một địa điểm hấp dẫn để ngắm hoàng hôn hoặc bình minh trên hồ. Chụp ảnh làn nước phẳng như mặt gương, phản chiếu các hòn đảo và bất kỳ đám mây nào trên bầu trời. Sau khi đi thuyền, đi bộ thư giãn hay hoạt động team building vẫy chào ngay khi bạn cập bến. Ảnh: Internet

Hồ thủy điện Tà Đùng
Giữa mênh mông biển nước, những quả đồi với nhiều hình thù khác nhau khi thì lúp xúp, khi thì vươn cao, tất cả uốn lượn dịu dàng tạo nên bức tranh sơn thủy khổng lồ giữa khu rừng cấm là Vườn quốc gia Tà Đùng. Để tạo cảnh quan du lịch này mẹ thiên nhiên của chúng ta phải quặn đau. Năm 2011, người ta ngăn sông Đồng Nai làm hồ tích nước cho các nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 (công suất 180MW), và Đồng Nai 4 (công suất 340MW), làm một diện tích rộng đến 3.620ha bị ngập nước. Các công trình thủy điện này đã gây nhiều hệ lụy đối rất lớn với môi trường tự nhiên và xã hội dọc hệ thống lưu vực sông Đồng Nai như mất rừng tự nhiên với diện tích lớn, giảm điều hòa khí hậu, giảm đa dạng sinh học, ảnh hướng xấu đến sinh kế của người dân… Hồ thủy điện với 36 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan “vịnh Hạ Long Tây Nguyên”. Thời điểm lý tưởng để tham quan hồ Tà Đùng là vào mùa tích nước, khoảng từ tháng 7 đến tháng 12. Khi nước hồ dâng cao trong xanh và những cơn mưa làm cây cối trên các đảo xanh mướt.

Với độ che phủ của rừng nguyên sinh chiếm 48% diện tích vùng lõi, Vườn quốc gia Tà Đùng được xếp hạng cao ở Việt Nam về sự đa dạng của hệ sinh thái và môi trường sống cho các loài động vật hoang dã. Dù bạn bắt đầu chuyến đi từ sườn phía bắc hay phía nam của Núi Tà Đùng, vườn đều có rất nhiều đường mòn đi bộ dã ngoại hấp dẫn. Các đường này đã đưa du khách lên những đỉnh núi cao, hoặc xuyên qua những khu rừng rậm rạp để đến những điểm quan sát tuyệt đẹp. Ảnh: Exotic Vietnam

Vườn quốc gia Tà Đùng

Cách TP. Gia Nghĩa 50 km về phía đông bắc, Vườn quốc gia (VQG) Tà Đùng được thành lập 2018 với diện tích 20.937ha. Vườn có một lớp thảm thực vật rừng rộng lớn, có tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi, bao gồm rừng nguyên sinh chiếm 48%, rừng thứ sinh các loại 36% tạo ra các hệ sinh thái phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của nhiều động thực vật. VQG Tà Đùng bao gồm các hệ sinh thái sau: lá rộng thường xanh, lá rộng nửa rụng lá, lá kim, hỗn giao gỗ tre nứa, trong đó rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh là chủ yếu với diện tích 8416ha, chiếm 44,6% diện tích của vườn. Đây là nơi sinh sống của 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ của 06 ngành thực vật khác nhau; và 574 loài động vật thuộc 38 bộ và 124 họ khác nhau. Trong đó có nhiều loài nguy cấp ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Thế giới.

Tà Đùng cũng là tên của khối núi hoa cương đồ sộ nhất tỉnh Đăk Nông, kéo dài khoảng 15km với 3 đỉnh Ta Dra, Tà Đùng và Tchirke, trong đó đỉnh Tà Đùng 1.982m, là nóc nhà của cao nguyên Đăk Nông. Mức độ chia cắt theo chiều sâu của địa hình quá không lớn, khoảng 200m tại các yên ngựa giữa các khối núi. Địa hình dốc liên tục 20 – 30 độ tại các sườn và thảm thực vật dưới tán rừng khá quang nên chinh phục đỉnh Tà Đùng không quá khó khăn, nhất là vị trí xuất phát đã ở độ cao 700m (sườn tây) hay 950m (sườn đông).

Có 2 cung trekking để lựa chọn:

  • Khởi hành và kết thúc tại Đắk Plao (Đắk Glong). Hành trình dài 10km cho mỗi lượt với 5km đường rẫy và 5km đường dốc núi, tổng cộng là 20km. Lượt đi và về cùng một đường ở sườn phía tây. Có thể dùng xe máy cày để vận chuyển hành lý và người trên đoạn đường rừng lồ ô và rẫy cà phê. Thác Trượt và thác Mặt Trời là điểm thăm thú đáng dừng dọc hành trình. Chương trình leo núi 2 ngày, với 1 đêm nghỉ ở độ cao 1700m, có suối với nguồn nước tốt, có mặt bằng cắm lều.
  • Khởi hành tại Phi Liêng (Lâm Hà) và kết thúc tại Đắk Plao (Đắk Glong). Hành trình dài 10km cho mỗi lượt với 5km đường rẫy và 5km đường dốc núi, tổng cộng là 20km. Lượt đi lên dốc ở sườn phía đông và về xuống dốc ở sườn phía tây. Có thể dùng xe máy cày để vận chuyển hành lý và người trên đoạn đường rẫy cà phê ở đầu chặng (từ Phi Liêng đến chân núi) và cuối chặng (từ chân núi ra Đắk Plao). Thác Bảy Tầng, thác Trượt và thác Mặt Trời là điểm thăm thú đáng dừng dọc hành trình. Chương trình leo núi 3 ngày, với 2 đêm nghỉ ở chân núi sườn phía đông và sườn núi cao 1700m, tất cả đều có suối với nguồn nước tốt, có mặt bằng cắm lều.

Mùa mưa từ tháng 5 – 11 và mùa khô từ tháng 12 – 4. Điều kiện thời tiết ảnh hưởng nhiều đến hành trình. Độ khó trekking tăng lên trong mùa mưa với côn trùng (nhất là vắt xanh và vắt nâu), đường dốc trơn trợt, ướt át khi khi ăn và cắm lều qua đêm. Thời gian lý tưởng để leo Tà Đùng từ tháng 12 đến tháng 5.

Cùng với trái cây và bắp, lúa gạo Buôn Choáh đã góp phần tạo nên cuộc sống sung túc của người dân địa phương với thương hiệu “Gạo Buôn Choáh” và những cánh đồng lúa cũng đã tạo nên phong cảnh một vùng quê mộc mạc, đáng nhớ cho du khách. Ảnh: Exotic Vietnam

Buôn Choáh

Cách TP. Buôn Ma Thuột 27km về phía nam, Buôn Choáh là một xã thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Dak Nông, theo tiếng Êđê là buôn Cát, vì nguồn cát sông dồi dào tại nơi hợp lưu của Krông Nô và Krông Ana.

Nổi bật trên địa hình cao 500m so với mực nước biển là nón núi lửa Chu Bluk hay Chu R’luh (còn gọi là Nam B’lang trong tiếng Mơ Nông) có độ cao tương đối khoảng 100m. Với hình thang cân đặc trưng, ​​ngọn núi lửa này hoạt động cách đây khoảng 0,689 triệu đến 0,199 triệu năm. Dòng bazan lỏng tràn tràn bốn phía tạo nên hệ thống hang động dung nham quy mô lớn và độc đáo, đặc biệt dòng bazan ở hướng Tây Bắc dọc theo sông Srepok về phía thác Dray Sáp có tốc độ dòng chảy mạnh hơn. Nơi đây có 50 hang dung nham được ghi nhận, như hang C7 dài 1.066,5m được công nhận là đẹp và dài lớn nhất Đông Nam Á; hang C6 là nơi ở và chôn cất của người tiền sử cách đây 6.000 – 3.000 năm; …

Ôm sát cánh đồng bazan tạo thành từ núi lửa Chư Bluk, cánh đồng Buôn Choáh có diện tích trên 700ha, chuyên trồng lúa  giống ST24 và ST25, năng suất bình quân từ 11 – 12 tấn/ha. Gạo Buôn Choáh có hạt dài, trắng trong, cơm có mùi thơm lá dứa, hạt dẻo, để nguội vẫn mềm ngon,… có lẽ được hình thành từ nguồn khoáng chất của núi lửa bao quanh. Ngoài ra, trên cánh đồng bazan bao quanh chân núi, Buôn Choáh hiện có diện tích 1300ha trồng bắp lai, năng suất 5 -7 tấn/ha.

Cùng với các giá trị văn hóa của người Êđê và Mơ Nông bản địa đang được bảo tồn, Buôn Choáh thực sự là một điểm đến “thiên đường”, là bản “Trường ca của Lửa và Nước”.

Giống như một viên ngọc ẩn mà hầu hết mọi người không biết về nó. Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên, hương hoa cỏ trong lành và tiếng chim hót líu lo. Từ chuyến đi bộ dễ dàng đến cung đường dài thử thách, nhiều khía cạnh của khu rừng nhiệt đới sẽ được khám phá. Dọc theo con đường mòn, bạn bắt gặp sự đa dạng của hệ động thực vật với các loài đặc hữu, kết thúc bằng một thác nước đầy tưởng thưởng và sảng khoái. Từ trên cao nhìn xuống, toàn cảnh những tán rừng mang đến một màn trình diễn thực sự quyến rũ trong màn sương mờ ảo. Ảnh: Exotic Vietnam

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung

Cách TP. Gia Nghĩa 45km, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (KBTTN) Nâm Nung có tổng diên tích tự nhiên là 21.866ha với phần lớn diện tích là rừng nguyên sinh. Đỉnh cao nhất ở là Nâm Nung hay Nâm Jer Bri (núi Sừng Trầm) với độ cao 1578m. Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách, ghi lại những trang sử hào hùng của đồng bào các dân tộc vùng Nam Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng, của N’Trang Gưh… trong kháng chiến chống Pháp những năm đầu thế kỷ XX.

KBTTN Nâm Nung có 02 hệ sinh thái chủ yếu là HST rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh và HST rừng gỗ hôn giao tre nứa tự nhiên. Trong đó diện tích HST rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh chiếm diện tích lớn, chiếm trên 90% diện tích toàn bộ KBTTN.

Khu bảo tồn có hệ động thực vật rất phong phú và đa dạng. Thực vật có 881 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 541 chi của 175 họ thực vật. Trong đó có 75 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như Cẩm lai, Gõ đỏ, Gõ mật, Sao đen, Dầu mít, Sến mủ, Sao lá cong, Sồi ba cạnh, Dầu nước… Trên thế giới, Sồi ba cạnh chỉ mới phát hiện được ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Động vật gồm 58 loài thú, 173 loài chim, 66 loài cá, 37 loài bò sát,… Trong đó có nhiều loài nguy cấp có tên trong Sách đỏ, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo tồn.

Về cảnh quan thiên nhiên, KBTTN Nâm Nung, ẩn giấu một hệ thống suối và thác dày đặc cùng đỉnh núi Nâm Jer Bri cao 1.578m. Với hành trình đi bộ xuyên rừng 5km là đến thác Gấu, rồi tiếp tục men theo suối Đắk P’Rí để đến thác Bảy Tầng (Len Gun). Tùy theo độ dốc của địa hình, dòng suối tuyệt đẹp này như đoàn quân khi thì nhảy múa reo hò bắn nước tuyng tóe, khi thì lẳng lặng và êm đềm ẩn mình giữa đại ngàn. Cần thận trọng trong mùa mưa khi nước chảy xiết. Ngoài ra, hành trình chinh phục Nâm JerBri 1.578m cũng là một thử thách thú vị với cung đường trek dài, qua nhiều đỉnh núi. Đây cũng là khu vực có nhiều dấu tích chiến tranh như sân bay quân sự và một hồ nước lớn được xây dựng từ thời Pháp.

Thời gian lý tưởng để thăm KBTTN Nâm Nung từ tháng 12 đến tháng 5. Hãy cùng Exotic Vietnam khám phá điểm đến thú vị này.