Lợi ích của các hoạt động team building sẽ được phát huy tối đa khi phối hợp được giữa mục tiêu của sự kiện với hình thức thể hiện. Thông thường, chúng ta thường thấy có các loại hình team building sau đây:
Loại 1: Xúc tác để các nhóm hình thành các đội (transform groups into teams)
Trong loại hình này, nhà tổ chức thường chọn dạng thể hiện là các hoạt động dã ngoại để thông qua môi trường dã ngoại, mỗi thành viên sẽ có cơ hội làm việc với nhau một cách bắt buộc và với quy luật “thay đổi hành vi sẽ dẫn đến thay đổi nhận thức” thì một đội sẽ được tạo ra từ từng thành viên rời rạc của một nhóm.
Trong trường hợp tổ chức trong nhà thì hiệu quả của loại hình này thấp hơn là các hoạt động ngoài trời. Khi tổ chức trong nhà thì yêu cầu về hình thức trở nên rất quan trọng vì hiệu ứng đoàn kết sẽ khó xuất hiện hơn.
Loại 2: Thay đổi trạng thái của các đội từ thấp lên cao
Các điểm chuyển đổi trạng thái của một đội là: Bắt đầu từ khi mới hình thành (forming) rồi phân chia vị trí (norming) và cọ xát nội bộ giữa các thành viên (storming) cho đến khi cả đội đạt đến trạng thái cân bằng và hiệu quả cao trong phối hợp nhóm (performing).
Tại mỗi điểm chuyển đổi luôn xảy ra sự tích tụ theo quy luật “lượng đổi thành chất”.
Hoạt động team building trong loại hình này đòi hỏi phải được thiết kế theo mô hình dồn nén các hiện tượng và hoạt động để đến một thời điểm thích hợp sẽ tự xuất hiện một giải pháp tổ chức mới mà trước khi bắt đầu cuộc chơi không ai nghĩ đến.
Sự kết hợp giữa lãnh đạo đơn vị với người thiết kế chương trình sẽ bảo đảm cho thành công.
Loại 3: Củng cố hoặc tái khẳng định giá trị của một tập thể, thông thường là giá trị văn hóa doanh nghiệp, văn hóa tổ chức.
Hình thức của các hoạt động dạng này không phụ thuộc môi trường trong hay ngoài trời.
Điểm nhấn của các hoạt động team building này thông thường là một kết quả của cả chuỗi hành động, khi đến thời điểm quyết định sự thắng bại của trò chơi thì mọi người sẽ cùng nhận ra được ý nghĩa của trò chơi chính là việc ứng dụng văn hóa doanh nghiệp để tạo nên chiến thắng.
Loại 4: Truyền đạt một thông điệp cụ thể của lãnh đạo, thông thường áp dụng khi một tổ chức có người lãnh đạo mới.
Lãnh đạo mới thường có xu hướng tìm hiểu xem bộ máy trong tay mình có tính cách như thế nào và ai cũng biết rằng tính cách dễ dàng bộc lộ nhất thông qua các hoạt động bên ngoài môi trường quen thuộc.
Nhu cầu rõ ràng của những lãnh đạo mới sẽ được thể hiện một cách sáng tạo và qua đó không chỉ lãnh đạo hiểu được tính cách của hệ thống mình được giao mà còn giúp cho từng nhân viên hiểu thêm được tính cách và động cơ làm việc của chính mình.
Loại 5: Thử nghiệm phản ứng của một tổ chức khi có sự thay đổi, thường áp dụng khi muốn tránh rủi ro trên thực tế bằng cách đưa ra các môi trường giả định để đánh giá khả năng thành công của ý tưởng mới.
Trong loại hình hoạt động này, sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà tổ chức là quan trọng nhất trong việc bảo đảm thành công theo ý muốn.
Những trò chơi trong loại hình này thường là các trò chơi lớn, thậm chí còn có nhiều thiết kế kéo dài đến 2 ngày/ 1 đêm.
Loại 6: Kích thích tinh thần nhân viên để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới về chất của một tổ chức, thông thường áp dụng cho các doanh nghiệp.
Loại hình này nhất thiết phải tổ chức ngoài trời mới phát huy được hiệu quả.
Thông điệp vào cuối mỗi công đoạn cũng như kết thúc tổng thể là điều bắt buộc trong các tiêu chí thiết kế các trò chơi liên hoàn.
Loại 7: Xây dựng một văn hóa thông cảm, yêu thiên nhiên và thông qua thiên nhiên mỗi người tự hiểu sâu hơn về chính mình, về đồng nghiệp, thường được áp dụng cho các tổ chức xã hội, chính quyền hoặc bệnh viện, trường học…
Đây là dạng team building khó thực hiện nhất.
Loại hình này luôn yêu cầu người chơi phải ở ngoài trời.
Một khoảng lặng cần có để mỗi người tự có thời gian để chiêm nghiệm được ý nghĩa của trò chơi và qua đó hoàn thiện chính mình.
Nguyễn Duy Thuận – Chuyên viên tư vấn Công ty Exotic Việt Nam